Chuyển tới nội dung
Trang chủ » Những đặc điểm của một dự án DeFi lừa đảo (scam)

Những đặc điểm của một dự án DeFi lừa đảo (scam)

  • bởi
Những đặc điểm của một dự án DeFi lừa đảo (scam)

Những đặc điểm của một dự án DeFi lừa đảo (scam)

Theo DeFi Pulse, mỗi ngày có tới hơn 10 tỷ USD bị khoá trong các giao thức DeFi. Có vẻ như sức nóng của thị trường DeFi nói riêng vẫn chưa hẳn sẽ dừng lại ở đó. Dường như lịch sử về một thời kỳ bùng nổ ICO năm 2017 đã quay trở lại. Theo đó, những dự án DeFi scam (lừa đảo) cũng đang len lỏi vào giữa cơn sóng lớn này để tranh thủ kiếm tiền từ thị trường.

Trên lý thuyết thì 2017 là một năm thành công của ICO. Nhưng thực tế thì đa phần các dự án sau ICO đều trở thành “rác” một vài năm sau đó. Đương nhiên góp phần không nhỏ vào đó là các dự án lừa đảo. Liệu rằng điều này có lặp lại với trào lưu DeFi  hay không? Hãy cùng tìm hiểu nhé.

Nội dung bài viết
ẩn

So sánh DeFi 2020 và ICO 2017

ICO năm 2017

Theo nghiên cứu của Statista, chỉ riêng trong năm 2017, số tiền kêu gọi được trong lĩnh vực ICO đã ~ 7 tỷ USD. Con số này có một mức tăng trưởng gần như gấp đôi trong năm 2018.

Tuy nhiên, trái ngược hoàn toàn với thành tích ICO khủng từ các dự án này, kết quả hiện tại lại không khỏi khiến các nhà đầu tư ngán ngẩm. Theo Satis Group, trong số tất cả các dự án ICO năm 2017 có một thực tại đáng buồn như:

  • Có đến 81% là các dự án scam.
  • 11% dự án ngừng hoạt động (6% thất bại và 5% chết).
  • Chỉ có 8% là vẫn được giao dịch trên các sàn hiện nay.

nhung dac diem cua mot du an defi lua dao scam 1

Như vậy có thể thấy rằng, ICO từ chỗ là “miền đất hứa” cho các nhà đầu tư thì nó lại đang là mồ chôn của hàng loạt dự án. Điều đáng nói ở đây là có tới 81% trong số đó bị gắn mác lừa đảo.

Sự bùng nổ của DeFi trong năm 2020

Theo DeFi Pulse, trong năm 2020, lượng tiền bị khoá trong các giao thức DeFi đã vượt ngưỡng 10 tỷ USD mỗi ngày và mặc dù trend về DeFi này vẫn chưa qua nhưng trên thực tế nhiều nhà đầu tư vẫn có cái nhìn không mấy thiện cảm về nó. Theo CryptoWhale, họ cho rằng trong tất cả các dự án DeFi hiện tại, 99% trong số đó là các dự án DeFi scam. Một con số không khiến chúng ta khỏi giật mình.

nhung dac diem cua mot du an defi lua dao scam

Như vậy chúng ta có thể thấy, so với ICO năm 2017, DeFi cũng không kém cạnh về độ lớn của nó. Thậm chí ở thời điểm hiện tại nó vốn đã vượt mặt ICO về lượng tiền đổ vào đó. Nếu rủi ro kịch bản của ICO sẽ quay lại với DeFi thì hẳn một sự biến động lớn sắp sửa sẽ diễn ra.

Vậy làm thế nào để có thể phân biệt và nhận biết được một dự án DeFi là chất lượng hay không?

6 đặc điểm thường thấy của một dự án DeFi scam

Trong một số trường hợp, có thể bạn sẽ thấy có những đặc điểm khác nữa. Tuy nhiên, 6 đặc điểm này là những điểm chung nhất được chúng tôi tổng hợp và rút ra từ các dự án DeFi scam.

Các dự án DeFi scam thường đặt tên dự án “ăn theo” các dự án DeFi đã tạm thời “thành công’

Định nghĩa “thành công” đối với các dự án DeFi ở thời điểm hiện tại đó là việc họ có thể gọi được số vốn trong một khoảng thời gian ngắn. Những dự án này phần nào đã chứng minh được sức ảnh hưởng của nó đối với các nhà đầu tư. Họ đầu tư vì tiềm năng cũng như những gì mà dự án đã thể hiện được trong thời gian vừa rồi.

Thế nhưng ăn theo sự thành công đó, các dự án DeFi scam lại “vô tình” đặt tên tương tự. Việc vô tình này khiến cho không ít nhà đầu tư lầm tưởng đây là một dự án fork của dự án gốc. Họ lầm tưởng rằng những dự án DeFi scam này có chung đội ngũ với dự án gốc kia. Đương nhiên, với chiêu trò marketing như thế, chuyện khiến nhà đầu tư hiểu nhầm là điều khó tránh.

Khi có quá nhiều người bàn tán về một dự án, nó có thể là một dự án DeFi scam

Thực tế thì đối với đầu tư tiền điện tử nói riêng, có một trường phái đầu tư mà đa phần các nhà đầu tư hay sử dụng gọi là “bơi cùng cá mập”. Đó là khi chúng ta thần tượng hoặc theo dõi một người nổi tiếng nào đó thì nhất nhất những lời nói của họ sẽ là kim chỉ nam cho hành động đầu tư của chúng ta. Thế nhưng đáng tiếc là điều này không phải lúc nào cũng đúng.

Mới đây một đoạn tin nhắn trên Telegram đã bị lộ cùng một bí mật động trời. 50 người có tầm ảnh hưởng trong lĩnh vực Cryptocurrency đã và đang lên kế hoạch cho một đợt “pump & dump” cho một dự án DeFi có tên là FEW. Một trong những kẻ chủ mưu đó là Anthony Sassano (Đồng sáng lập của Ethhub.io). Mục đích của họ lợi dụng tầm ảnh hưởng của mình trên mạng xã hội để biến một token FEW trở nên có giá trị trong mắt các nhà đầu tư. Từ đó, họ sẽ kiếm được lợi nhuận kếch xù từ nó. May mắn là kế hoạch này chưa kịp thực hiện thì đã bị bại lộ.

Điều này rút ra một kinh nghiệm rằng những người có tầm ảnh hưởng không phải lúc nào cũng đứng về phía chúng ta. Do đó, nếu có một dự án nào nhận được sự ủng hộ của quá nhiều người có tầm ảnh hưởng cùng lúc thì nó cũng có thể là dấu hiệu của một dự án DeFi scam. Hãy tỉnh táo để nghiên cứu thật kỹ về dự án thay vì mù quáng tin theo thần tượng của mình.

Không có thông tin về đội ngũ phát triển của dự án

Đến đây thì nhiều người sẽ thắc mắc là với Bitcoin, đâu ai biết được đội ngũ phát triển đứng đằng sau nó đâu? Thực tế đúng là như vậy. Với một dự án blockchain, theo ý kiến cá nhân của mình thì đội dev có thể ẩn danh. Nhưng những thành phần khác như CEO, Advisor hay Marketing thì vấn đề ẩn danh lại là một điều đáng nghi ngờ. Liệu rằng đó có phải là một dự án DeFi scam hay không?

Bitcoin (BTC) có lẽ là dự án blockchain duy nhất sống trong bóng tối mà nó vẫn thành công. Một dự án DeFi thu hút tiền của nhà đầu tư thì thông tin càng minh bạch về những người đứng đầu càng tốt. Nếu như mọi thứ mập mờ, khi phát hiện đó là một dự án DeFi scam thì lúc đó mọi thứ biến mất một cách sạch sẽ. Chắc hẳn bạn sẽ không muốn mình trở thành nạn nhân của những dự án DeFi scam như vậy chứ?

Mục đích của các dự án DeFi scam là lợi dụng cơn sóng của thị trường để tranh thủ “hốt bạc”. Do đó họ sẽ không chú ý nhiều đến các kênh thông tin cho các nhà đầu tư. Hoặc nếu có thì cũng rất sơ sài. Nếu không có, hãy cho đó một chiếc cờ đỏ báo hiệu một dự án DeFi scam.

Yfdex.Finance là một ví dụ điển hình cho trường hợp này. Dự án này được phát hành nhanh chóng. Không có những thông tin về đội ngũ liên quan đến dự án này. Và đương nhiên, nó biến mất cũng với tốc độ nhanh không kém. Chỉ sau hai ngày ra mắt, dự án DeFi scam này đã “cuỗm” của các nhà đầu tư số tiền hơn 20 triệu USD.

Không có sản phẩm hay lộ trình phát triển cụ thể

Rất nhiều các dự án blockchain nói chung và DeFi scam nói riêng đều gặp phải lỗi này. Hoặc là họ sẽ vẽ ra một sản phẩm “ảo” để che mắt nhà đầu tư. Hoặc là họ không có gì cả. Một dự án blockchain không thể chỉ hoàn thiện chỉ trong một vài tháng. Bạn biết Ethereum 2.0 đúng không? Tính từ thời điểm nó bắt đầu khởi tạo, đến nay đã 5 năm trôi qua nhưng dự án vẫn chưa hoàn thành vì nó khá phức tạp.

Do đó, một dự án không thường xuyên cập nhật về tiến độ phát triển sản phẩm. Thay vào đó họ chỉ tập trung chính vào các hoạt động marketing thì tỷ lệ rất cao nó sẽ được xếp hạng vào các dự án DeFi scam.

Những dự án DeFi scam thường thiếu kênh giao tiếp với nhà đầu tư

Có một điểm mình đánh giá rất cao ở các dự án DeFi nói riêng đó là việc họ thường xuyên tương tác với các nhà đầu tư. Việc tương tác này ngoài việc giúp nhà đầu tư giải đáp các thắc mắc, nó còn là thời điểm để đội ngũ phát triển lắng nghe ý kiến từ các nhà đầu tư. Đa phần các dự án DeFi hiện nay đều tận dụng các kênh mạng xã hội như Discord, Telegram,… để lấy ý kiến của nhà đầu tư.

Với những dự án DeFi scam, có vẻ như họ rất sợ điều này. Gần như bạn không tìm thấy các kênh giao tiếp nào với họ. Hoặc nếu có, nó cũng không thường xuyên được trao đổi thông tin qua lại. Với cơ chế phi tập trung, mọi quyết định ảnh hưởng đến dự án đều cần phải có sự thông qua của các nhà đầu tư thay vì đội dev hoàn toàn quyết định như hiện nay.

Không được audit (đánh giá an ninh) cũng có thể là dự án DeFi scam

Việc đánh giá an ninh cho các dự án DeFi hiện nay có thể nói là một vấn đề bắt buộc. Hơn nữa, việc đánh giá không chỉ diễn ra một lần. Hãy tưởng tượng bất kỳ một thay đổi nào dù là nhỏ nhất liên quan đến hệ thống đều cần phải được audit. Do đó, với những dự án DeFi scam, thường họ sẽ bỏ qua khâu này. Một phần vì chi phí đắt đỏ, một phần để nhanh có sản phẩm để ra mắt nhà đầu tư.

Hẳn chúng ta vẫn còn chưa quên bài học về dự án Yam Finance. Với tốc độ phát triển quá nhanh, dự án ra mắt đúng thời điểm phong trào Yield Farming đang lên cao dẫn đến việc họ bỏ qua vấn đề audit. Mặc dù số tài sản 650 triệu USD bị khoá trong Yam vẫn an toàn nhưng sau đợt tấn công đó, số tài sản này dường như vô giá trị.

Cách phòng tránh những dự án DeFi scam

Dưới đây là 4 cách bạn có thể tham khảo để không biến mình thành miếng mồi ngon của các dự án DeFi scam.

DYOR (Do Your Own Research)

Với bất kỳ một dự án nào, hãy nghiên cứu thật kỹ về nó trước khi đưa ra quyết định. Bạn có thể tìm các tài liệu liên quan đến dự án ở trên website hoặc trao đổi trực tiếp với đội ngũ phát triển của chính dự án. Những dự án DeFi scam, những tài liệu chi tiết về dạng này thường sẽ không nhiều.

Whitepaper thông thường sẽ là tài liệu phổ biến nhất giúp bạn nghiên cứu về dự án. Tuỳ vào kiến thức về Crypto và cảm nhận của cá nhân để bạn có thể đánh giá được dự án tiềm năng hay không. Ngoài ra bạn cũng nên đánh giá về ý tưởng dự án đó thông qua các đối thủ cạnh tranh, nguồn lực từ đội ngũ phát triển của dự án,… Tổng thể tất cả những thứ đó sẽ mang lại cho bạn một bức tranh hoàn hảo nhất về nó.

Xem lại những đánh giá về dự án

Đây là một cách khác để giúp bạn kiểm tra độ tin cậy của một dự án DeFi. Điều này bắt đầu bằng cách xem các báo cáo đánh giá liên quan đến dự án đó (audit). Bất kỳ dự án DeFi nào đáng giá họ sẽ mời các chuyên gia đánh giá trong ngành như ChainSecurity, Quantstamp, Trail of Bits OpenZeppelin,… để tiến hành đánh giá thủ công dự án.

Tiếp theo cần kiểm tra là những gì mọi người khác đang nói, bao gồm chính các nhà phát triển, trên trang web của họ và các diễn đàn khác. Hãy thử xem cách họ xử lý các cuộc khủng hoảng truyền thông (nếu có) liên quan đến dự án.

SushiSwap là một ví dụ mà mình muốn nhắc đến trong trường hợp này. Nhà phát triển của nó, trong một giây phút “bồng bột” đã lấy đi 14 triệu USD tiền của dự án. Điều này khiến cho nó gần như sụp đổ trong mắt các nhà đầu tư. Nhưng ngay sau đó, anh ta đã trả lại và cam kết hộ trợ hết mình cho dự án đó. Mặc dù không còn đảm nhiệm vai trò quan trọng trong dự án nữa những ít nhiều hành động đó cũng lấy lại phần nào sự tin tưởng của các nhà đầu tư.

Giám sát, kiểm tra các giao dịch của dự án

Mặc dù blockchain là ẩn danh nhưng cũng đừng quên nó còn có tính minh bạch nữa. Thông qua các công cụ như EtherScan giúp bạn có thể tra ra các thông tin liên quan đến dự án. Hoặc với ETHProtect giúp bạn có thể tìm ra nguồn gốc của các khoản tiền đó.

Nếu bạn bắt gặp các địa chỉ ví có dấu hiệu liên quan đến “tiền bẩn” khi điều tra hợp đồng thông minh, thì bạn biết rằng đó là dấu hiệu của một dự án DeFi scam. Do đó, hãy tránh truy cập trang web của dự án hoặc đầu tư vào các sản phẩm của họ.

Phân biệt những dự án fake

Phần lớn token DeFi sử dụng mã thông báo dựa trên blockchain Ethereum để hoạt động. Tuy nhiên, với một người mới sẽ khó cho họ để phát hiện sự khác biệt giữa token chuẩn và token fake. Những kẻ lừa đảo thường sẽ tạo một dự án với một cái tên nghe có vẻ tương tự như một số dự án đã thành công mà mình có nhắc đến ở trên. Và đương nhiên, tâm lý lúc này của những nhà đầu tư mới là “cứ thấy quen thì mua”.

Chỉ với một vài bước đơn giản bạn có thể biết tất cả những gì cần thiết để xác định xem đó có phải là một thứ hợp pháp hay không? Lời khuyên cho bạn là tìm kiếm thông tin dự án trên một số nguồn tin uy tín như CoinGecko, CoinMarketcap hay GitHub,… Ngoài ra, các liên kết của dự án dẫn đến đâu? Nếu đó là một liên kết chết, thì bạn cũng nên cân nhắc việc đưa nó vào danh sách các dự án DeFi scam rồi.

Kết luận

6 đặc điểm mà mình đã trình bày trên đây là những đặc điểm chung nhất thường thấy của một dự án DeFi scam. Đương nhiên, nó không phải là đại diện cho tất cả. Mỗi một dự án khác nhau họ sẽ có những mánh khoé riêng hòng qua mắt nhà đầu tư. Do đó, nếu như bạn là một nhà đầu tư, hãy lưu ý đến những vấn đề sau:

  • Tìm hiểu thật kỹ về những tin tức liên quan đến dự án. Đầu tư vào tiền điện tử cũng giống như bạn đầu tư chứng khoán vậy. Thứ bạn đầu tư là công ty, là sản phẩm, là con người… chứ không phải là một ý tưởng vu vơ.
  • Phân tích những dự án DeFi scam đã xảy ra và đúc rút cho mình những kinh nghiệm phân tích để có thể nhìn ra chúng. Khi bạn đọc nhiều, tham khảo nhiều và hiểu về cách vận hành của hệ thống blockchain thì việc nhìn nhận những dự án DeFi scam sẽ đơn giản hơn thôi.

Hi vọng rằng bài viết này đã mang đến cho các bạn những kiến thức cũng như kinh nghiệm về việc đầu tư trong lĩnh vực tiền điện tử. Hẹn gặp lại các bạn ở các bài viết sau.

Binance

CẢNH BÁO: Đầu tư vào các sản phẩm tài chính tiềm ẩn rất nhiều rủi ro mà có thể không phù hợp với một số nhà đầu tư. Do đó hãy cân nhắc kỹ lưỡng và làm chủ bản thân trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào cấu thành từ những nội dung tham khảo tại CryptoViet.com.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *